Hội thảo quy tụ hơn 200 khách mời là các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp CLB liên quan đến lĩnh vực TDTT. Có thể kể đến các đại biểu nổi bật, là diễn giả của chương trình như: Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT ; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương; Ông Lim Song - Chủ tịch Công ty VSP, nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam; Ông Bùi Huy Năm - Tổng giám đốc VTVcab; Ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam; Ông Nguyễn Thành Đạt – Giám đốc Truyền thông Herbalife Việt Nam’’ ; Bà Nguyễn Trà Giang – Phó chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam; Ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều VBA; Ông Trần Văn Lam – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam; Ông Nguyễn Phan Khuê - Tổng biên tập Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng; Bà Lê Vân Anh, Phó BTC Hệ thống giải Vnexpress Marathon; Ông Nguyễn Quang Huy - Đại diện nhãn hàng Decathlon Hà Nội.
Ngoài ra còn các chuyên gia trong lĩnh vực TDTT cùng tham dự như: GS.TS Lâm Quang Thành; GS.TS Lê Qúy Phượng; PGS.TS Đặng Văn Dũng; PGS.TS Trần Hiếu; TS. Đàm Quốc Chính; TS Lê Tấn Đạt…đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục TDTT và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia.
Kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao (Sport industry).
Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu...) cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán...). Theo nghĩa hẹp, kinh tế thể thao chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.
Trên thế giới, kinh tế thể thao ở nhiều quốc gia đã thực sự là một cỗ máy đồ sộ, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia. Có thể kể đến như Mỹ, lĩnh vực Kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP (năm 2018), Trung Quốc - nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới...
Bối cảnh chung của Thể thao Việt Nam những năm gần đây ngày càng khởi sắc, đã có nhiều thay đổi và cách làm hay để thúc đẩy xã hội hóa thể thao, từng bước huy động được sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội để thể thao phát triển và giành vinh quang, từ châu lục đến cả Olympic. Điển hình là một kỳ SEA Games 31 thăng hoa, vượt qua nghịch cảnh và nỗi lo sợ đại dịch Covid-19 để vươn tới những thành công rực rỡ, một kỳ đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX nhiều đột phá. Và gần đây nhất đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên xếp nhất toàn đoàn với 136 tấm HCV ở kỳ SEA Games tổ chức tại quốc gia khác (Campuchia 2023).
Tuy vậy, hiện nay Việt Nam nhìn chung được đánh giá vẫn nằm trong vùng “chậm phát triển nền công nghiệp thể thao”. Vì vậy rất cần phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, gấp rút thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu và xây dựng được “nền công nghiệp, kinh tế thể thao” vừa phù hợp với điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội hóa nhưng cũng phải thích nghi, bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghiệp, kinh tế thể thao nói chung của khu vực, châu lục và thế giới.
Ban tổ chức hy vọng với nhiều diễn đàn được tổ chức như thế này, vấn đề kinh tế thể thao sẽ được xới lên, trở thành hoạt động thường niên là nơi các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.
Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã tập trung trao đổi một số khía cạnh của kinh tế thể thao: đó là: cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế thể thao; Định vị các giải đấu (bao gồm cả đỉnh cao và các giải phong rào) và Cách thức thu hút tài trợ cũng như khai thác bản quyền truyền hình để từ đó tạo những dòng tiền đổ vào giải đấu để giúp thể thao phát triển.
Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy: Định vị được các giải đấu thể thao lớn là một hình thức toàn cầu hóa quan trọng và có ý nghĩa văn hóa - chính trị mạnh mẽ và ý nghĩa kinh tế cho các nước chủ nhà. Các giải đấu thể thao lớn đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới, được phát sóng đến với toàn cầu; thu hút một số lượng lớn người theo dõi trực tiếp và gián tiếp. Thực tế đã ghi nhận nhiều cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia để giành quyền tổ chức các sự kiện lớn như cuộc đua xe Công thức 1, Grand Prix, Thế vận hội và Cúp thế giới.
Mọi người đều công nhận rằng việc định vị được các giải đấu, đặc biệt là các giải quốc tế đóng góp to lớn cho hình ảnh và niềm tự hào dân tộc của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cũng rất quan trọng là, những sự kiện này bao gồm các dịch vụ chuyên nghiệp, địa điểm, hàng hóa và thiết bị đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước, tạo việc làm và tạo ra cơ hội tiếp thị toàn cầu.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ: Định vị giải đấu là một trong những "nút thắt" của nền kinh tế thể thao. Hiện tại trên thế giới các giải đấu như Bóng bầu dục, Bóng chày tại Mỹ đang dẫn đầu về việc tạo ra doanh thu. Xếp sau đó là những giải đấu như Bóng rổ NBA hay giải Bóng đá Ngoại hạng Anh. Đó đều là những giải đấu có doanh thu trên 5 tỷ đô-la.
Trong khi đó ở Việt Nam mới có rất ít giải đấu tạo ra nguồn doanh thu lớn từ tài trợ, từ bản quyền truyền hình đó là V.League hay bóng rổ VBA. Chúng ta cần biết rằng nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm đến 50-70% doanh thu của giải đấu.
Chính vì vậy, Diễn đàn này gợi mở cho các Liên đoàn, Hiệp hội, nhà tổ chức giải đấu cách thức “định vị được khách hàng tiềm năng của mình”, cách thức thu hút người hâm mộ quan tâm theo dõi nhiều hơn, và đặc biệt là cách thu bán tài trợ, bán bản quyền truyền hình hiệu quả tối đa.
Ông Lê Trí Trường – Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho rằng: Thông qua môi trường những giải đấu chuyên nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các chủ doanh nghiệp (các câu lạc bộ) chính là chất lượng các trận đấu, các sản phẩm dịch vụ cung cấp ra thị trường cho người hâm mộ thưởng thức. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp chỉ có thể thu được lợi nhuận và tồn tại, phát triển được nếu tham gia thi đấu trong hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Về phía các nhà quản lý phải không ngừng thay đổi và làm mới điều lệ thi đấu để tăng tính hấp dẫn; tăng số lượng các trận đấu đỉnh cao để quảng bá rộng hơn nữa phong trào cũng như tạo thêm các giá trị kinh tế trong việc khai thác các dịch vụ đi kèm. Ví dụ như môn Bóng chuyền đã không ngừng cải thiện hệ thống giải, từ thi đấu trong nước đến các giải quốc tế để hướng đến một hệ thống giải chuyên nghiệp như các quốc gia trong khu vực, châu lục đang áp dụng.
Diễn đàn cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp từ các dịch giả về các giải pháp phát triển kinh tế thể thao. Theo đó, để phát triển kinh tế TDTT, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về kinh doanh TDTT (nghiên cứu, phát triển kinh doanh TDTT; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh TDTT); hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh doanh TDTT. Việc này gồm cả bổ sung, sửa đổi các quy định pháp lý hiện hành, cả xây dựng mới; tạo lập và phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ TDTT.
Cùng với đó, đảm bảo sự hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước cho hình thành kinh tế TDTT như là khởi tạo, tạo đà và khuyến khích các nỗ lực kinh doanh TDTT; hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh doanh TDTT và hình thành, phát triển ngành kinh tế công nghiệp thể thao…
Bên lề Hội thảo, các chuyên gia cho rằng vấn đề Kinh tế thể thao còn rất nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan cũng như chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố khác cần được làm rõ theo hướng hội thảo chuyên đề sâu, có thể kể đến như: ngành “Công nghiệp sản xuất trang thiết bị, quần áo và dụng cụ thể thao; Hiệu quả kinh tế từ khai thác hệ thống cơ sở vật chất của TDTT; Lĩnh vực kinh tế truyền thông thể thao; Kinh tế và marketing thể thao; Chuyên viên môi giới, người đại diện, chuyển nhượng cầu thủ, vận động viên thể thao; Tổ chức các loại hình sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội, giải trí; khoa học công nghệ, chuyển đổi số và nền kinh tế thể thao…