Toàn tỉnh hiện có hơn 160 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT; trong đó có 19 doanh nghiệp kinh doanh thể thao, 1 câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp (CLB Thép Xanh Nam Định) được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Các loại hình dịch vụ TDTT gồm: kinh doanh thiết bị, dụng cụ TDTT; các CLB, các điểm tập luyện như bóng bàn, bóng đá, cầu lông, quần vợt, võ thuật, billiard, bơi lặn, thể dục thẩm mỹ - Fitness (Yoga, Zubma, Aerobic, Gym)... Việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) và các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, quy trình. Thủ tục cấp phép, giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ TDTT được cải cách đơn giản, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh doanh. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao như: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu, nhà đa năng, sân thể thao, bể bơi, khu vui chơi, giải trí được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả hoạt động. Nhiều điểm, nhóm luyện tập TDTT ngoài trời, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thiết thực với người dân ở cơ sở được hình thành. Nhiều công trình TDTT thuộc các đơn vị sự nghiệp thể thao công lập quản lý đã mạnh dạn đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất kỹ thuật thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp, gắn việc tổ chức các hoạt động TDTT với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, góp phần phát huy công năng sử dụng của các công trình; đồng thời mang lại nguồn thu đáng kể, giảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp thể thao của tỉnh hoạt động hầu hết đều phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước (được cấp theo chỉ tiêu hàng năm) nhưng đều thực hiện tốt nhiệm vụ về quản lý, khai thác sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ nhằm tăng nguồn thu kinh phí cho đơn vị, góp phần phát triển sự nghiệp TDTT trong thời kỳ mới.
Các đơn vị sự nghiệp thể thao của tỉnh gồm: Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT, Trung tâm Thể thao thành tích cao (Sở VH, TT và DL) đang quản lý các công trình thể thao gồm: Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Cung thể thao, 2 bể bơi (bể bơi mái che nước nóng, bể bơi Trần Khánh Dư), sân điền kinh, 2 sân tập luyện bóng đá, 2 sân quần vợt. Công trình thể thao cấp huyện và cấp cơ sở gồm: 8 nhà tập luyện, thi đấu TDTT; 50 bể bơi các loại; gần 800 sân vận động và sân bóng đá mini; 55 sân quần vợt; 1.327 sân bóng chuyền và hàng nghìn sân cầu lông, các điểm tập luyện TDTT ở các khu công viên, trường học do Nhà nước và tư nhân đầu tư quản lý, khai thác theo chủ trương xã hội hóa. Thực tế hiện nay, việc tự chủ về kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thể thao công lập có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn gặp khó khăn do cơ chế khai thác sử dụng các thiết chế. Phần lớn hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị chưa phù hợp tổ chức các dịch vụ luyện tập TDTT thường xuyên của nhân dân. Một số cơ sở vật chất còn thiếu thốn do thiếu kinh phí đầu tư, không đáp ứng yêu cầu kinh doanh dịch vụ TDTT. Các khoản thu từ hoạt động dịch vụ TDTT chưa đáp ứng được nguồn chi cho hoạt động và duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Khắc phục các khó khăn, hiện nay một số đơn vị sự nghiệp thể thao công lập trong tỉnh đã xây dựng đề án cho thuê tài sản công, được UBND tỉnh phê duyệt như: Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng... với nguồn thu chủ yếu từ thuế đất. Đây là mô hình mới, góp phần nâng cấp, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia luyện tập, sinh hoạt TDTT.
Nhờ huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, hoạt động TDTT của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Thể hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về loại hình kinh doanh dịch vụ của các cơ sở TDTT ngoài công lập, chủ yếu dưới hình thức các CLB, địa điểm giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ TDTT, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Số người tham gia tập luyện TDTT, tham gia tiêu thụ sản phẩm TDTT ngày càng tăng. Nhiều giải thi đấu TDTT của tỉnh có sự tham gia tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp được tổ chức với quy mô lớn, giải thưởng cao, góp phần tăng tính hấp dẫn của giải, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước.
Thực tế, nếu được đầu tư phát triển và đẩy mạnh xã hội hóa theo đúng xu thế phát triển chung của xã hội thì các hoạt động kinh doanh TDTT sẽ trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế thể thao, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa lĩnh vực TDTT. Các địa phương trong tỉnh phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về xã hội hóa TDTT. Hoàn thiện cơ chế chính sách cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa, tập trung vào các nhóm chính sách về: quy hoạch và sử dụng đất dành cho hoạt động TDTT; khuyến khích đầu tư đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập; khuyến khích tư nhân đầu tư, liên doanh, liên kết đối với các cơ sở thể thao công lập... Tiếp tục phát triển các tổ chức xã hội về TDTT, thành lập các liên đoàn, hiệp hội thể thao mới để hình thành mạng lưới hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT. Đầu tư cho các cơ sở thể thao công lập, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; đầu tư cho các dịch vụ TDTT công cộng, đáp ứng nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần của người dân, từng bước hình thành, phát triển ngành kinh tế thể thao./.
Nguồn tin: https://baonamdinh.vn/the-thao/202402/khai-thac-tiem-nangphat-trien-kinh-te-the-thao-fa60d1d/